( 02-10-2020 - 12:00 AM ) - Lượt xem: 908
Sử dụng mũ bảo hiểm bẩn, vệ sinh mũ bảo hiểm không đúng cách hoặc dùng chung mũ với người khác… là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tóc, gây nấm da đầu.
Nấm da đầu là một bệnh da liễu thường gặp ở cả nam lẫn nữ với biểu hiện đầu xuất hiện nhiều gàu, đầu ngứa, nổi mụn, rụng tóc, thậm chí là rụng tóc từng mảng… gây ảnh hưởng không nhỏ đến chế độ sinh hoạt hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nấm da đầu. Một trong những nguyên nhân gây ra căn bệnh trên là do người bệnh dùng mũ bảo hiểm bẩn.
Vì sao đội mũ bảo hiểm bẩn gây nấm da đầu?
Theo các bác sĩ chuyên khoa da liễu, đa phần những người sử dụng mũ bảo hiểm chưa có thói quen vệ sinh mũ. Điều này khiến cho bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn tích tụ trong mũ ngày càng nhiều. Khi đội mũ trực tiếp lên da đầu, vi khuẩn sẽ có cơ tấn công và gây bệnh nấm da đầu.
Những người làm công việc đòi hỏi phải đội mũ bảo hiểm nhiều và thường xuyên nhưng không được vệ sinh như: tài xế công nghệ, shipper, xe ôm… có nguy cơ bị nấm da đầu nhiều hơn vì khi mồ hôi tiết ra kết hợp với tế bào da chết sẽ làm cho da đầu trở thành nơi tá túc thuận lợi cho nấm gây bệnh.
Cách xử lý tình trạng nấm da đầu
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phương pháp, có chế độ gội đầu hợp lý, bệnh nấm da đầu có thể chữa khỏi. Nếu trên đầu có quá nhiều gàu kèm theo các dấu hiệu như ngứa, tóc bết và có mùi, xuất hiện mụn đỏ... người bệnh nên đi khám da liễu ngay để giúp tìm ra nguyên nhân và cách điều trị phù hợp.
Khi bị nấm da đầu, tuyệt đối không được cào và gãi mạnh da đầu để tránh gây tổn thương và khiến gàu, nấm lan rộng hơn. Không tự ý mua thuốc để uống và bôi khi chưa có chỉ định hay tư vấn của bác sĩ. Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luôn nâng cao sức đề kháng cho cơ thể cũng là một trong những cách phòng bệnh.
Cách vệ sinh và chọn mũ an toàn
Muốn phòng tránh các bệnh về da đầu, người dùng cần vệ sinh mũ bảo hiểm thường xuyên bằng các phương pháp như: Phơi khô mũ mới đội để tránh vi khuẩn sinh sôi, mũ “bốc mùi”; đi mưa về lau khô mũ hoặc sấy khô cả quai và trong mũ. Càng nắng nóng càng nên giặt mũ; xịt dung dịch sát khuẩn rồi lau sạch mũ bằng khăn khô trước khi đội…
Bên cạnh đó, nên mua thêm những miếng lót nón bảo hiểm làm bằng các loại vải mềm, thấm hút mồ hôi, ít gây kích ứng da để thay và giặt miếng lót thường xuyên. Ngoài ra, nên treo nón bảo hiểm ở nơi khô thoáng để đề phòng nấm, vi khuẩn “tấn công”.
Khi mua mũ bảo hiểm phải chọn loại mũ đạt chất lượng, quy cách để bảo vệ đầu, có lỗ thoáng khí và miếng lót bên trong có thể gỡ ra để giặt được. Không nên vì ham rẻ, mẫu mã đẹp mà chọn những loại mũ kém chất lượng được bày bán trên các vỉa hè, vừa có nguy cơ gây hại da đầu mà còn không thể bảo vệ đầu khi tai nạn xảy ra. 2 đến 3 năm thay mới một lần. Không dùng một mũ bảo hiểm quá 5 năm.
Mặt khác, chọn lựa những chiếc mũ vừa với đầu, không chật hay rộng quá cũng không quá nặng, có quai êm sẽ giúp bạn tránh được tình trạng đau đầu, thoái hóa đốt sống cổ do đội mũ bảo hiểm.