( 01-10-2020 - 12:00 AM ) - Lượt xem: 639
Rụng tóc là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Tóc rụng do nhiều nguyên nhân và mức độ rụng ở mỗi người sẽ khác nhau. Bạn không nên chủ quan khi bị rụng tóc bởi nó có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh trong cơ thể. Vậy tóc rụng thế nào bị xem là bệnh?
Rụng tóc thế nào bị xem là bệnh?
Rụng tóc là vấn đề diễn ra thường xuyên gần như mỗi ngày không chỉ ở phụ nữ mà cả đấng mày râu. Rụng tóc sẽ không có gì đáng lo nếu số lượng tóc rụng rơi vào khoảng 50 dưới 100 sợi/1 ngày. Sau khi tóc rụng một lượng tóc mới sẽ được mọc lên hay thế bù lại số lượng sợi tóc đã bị rụng. Đây được gọi là rụng tóc sinh lý.
Tuy nhiên, nếu số lượng tóc rụng nhiều hơn 100 sợi/1 ngày thì rụng tóc được xem là bệnh. Lúc này bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp khắc phục nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ hói đầu sớm, thậm chí khiến nang tóc bị teo vĩnh viễn, tóc mới không thể mọc trở lại. Đây được gọi là rụng tóc bệnh lý.
Bạn có thể nhận biết tình trạng rụng tóc bệnh lý qua một số dấu hiệu như:
+ Khi gội đầu, chải tóc hay chỉ cần sờ vào tóc thì lượng tóc rụng nhiều hơn bình thường.
+ Lượng tóc con mọc lên rất ít, rất yếu, mỏng, xoăn và thưa.
+ Đối với nữ, tóc rụng nhiều dẫn đến hiện tượng tóc ít, yếu.
+ Nam giới có thể bị hói do tóc rụng từng mảng.
>>> Nguyên nhân và cách chữa rụng tóc sau khi bị sốt xuất huyết
Các bệnh gây rụng tóc
Thiếu máu
Do máu là nguồn nuôi dưỡng chính cho mái tóc, vậy nên, khi thấy tóc rụng nhiều thì nguyên nhân đầu tiên có thể đến từ vấn đề cơ thể thiếu máu. Lúc này, bạn nên nạp vào các loại thực phẩm giàu sắt như thịt bò, hải sản, các loại đậu... để bổ sung lượng máu cần thiết cho cơ thể.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Một trong những dấu hiệu phổ biến của hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rụng tóc bất thường. Chính việc suy giảm nội tiết tố androgen trong cơ thể đã làm giảm khả năng tái tạo của tóc. Do đó, bạn cần chủ động đi khám sớm để tránh gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.
Suy giảm tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động kém sẽ không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể, từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển và kết cấu của tóc trên da đầu.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Dermatology vào năm 2008 đã ghi nhận rằng, tình trạng suy giảm tuyến giáp có khả năng gây rụng tóc ở từng vùng trên da đầu. Đặc biệt, bạn nên tới bệnh viện để tầm soát các bất thường về tuyến giáp, nhất là khi gặp phải triệu chứng tóc rụng cả mảng to ở nhiều vùng trên da đầu thường xuyên.
Rụng tóc sau khi sinh
Phụ nữ giai đoạn mang thai, sau khi sinh con thường bị mất cân bằng hormone. Do đó, quá trình tăng trưởng của tóc cũng bị rút ngắn lại và hiển nhiên tóc sẽ bị rụng hàng loạt.
Rụng tóc do thuốc
Rất nhiều loại thuốc gây ra tác dụng phụ là rụng tóc. Có thể kể đến thuốc chẹn beta, thuốc retinoid trị mụn trứng cá, thuốc kháng đông,… Hoặc là hậu quả của việc xạ trị hóa trị ung thư.
Lupus ban đỏ
Hiện tượng tóc mỏng, tóc rụng bất thường... cũng là một dấu hiệu cảnh báo bệnh Lupus ban đỏ. Những người mắc phải căn bệnh này sẽ gặp phải tình trạng rụng tóc khi gội đầu hoặc chải tóc, thậm chí còn nhận thấy tóc trở nên khô, giòn và xơ xác.
Căng thẳng quá mức
Khi bạn để cơ thể rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi thường xuyên thì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thần kinh và hệ miễn dịch, từ đó là nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc đột ngột.
>>> Cách chăm sóc tóc vào mùa thu đông để tóc luôn khỏe đẹp
Một số cách cải thiện tình trạng rụng tóc ở nam và nữ
Thông thường, để khắc phục hiện tượng rụng tóc nhiều bạn cần lưu ý đến chế độ ăn uống giàu chất đạm, chất khoáng mà đặc biệt là kẽm cùng với các thực phẩm dồi dào vitamin; xây dựng lối sống khoa học, tránh căng thẳng và stress; chăm sóc tóc đúng cách; thay thế các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất bằng các loại nước gội đầu thảo dược ít bọt giúp da đầu sạch, tóc khỏe hơn.
Gội đầu nhẹ nhàng nhưng phải thật kỹ và thật sạch nếu không dầu gội còn sót lại sẽ có thể làm tắc lỗ chân lông, tác động xấu tới sự tuần hoàn nuôi dưỡng tóc. Trong khi gội đầu nên kết hợp massage tóc để kích thích mao mạch và mao nang tóc phát triển.
Chải đầu thường xuyên nhưng cần đúng cách để làm sạch tóc và kích thích da đầu, tăng sự tuần hoàn, nuôi dưỡng tóc giúp tóc khỏe và mọc nhanh hơn.
Không nên nhuộm tóc, uốn tóc hay duỗi tóc quá nhiều lần vì có thể làm tóc hư tổn và gãy rụng.
Uống đủ nước, bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin B, H và lipid, cùng các nguyên tố vi lượng, canxi để tóc được nuôi dưỡng một cách tốt nhất.